Sự thống trị của các ngân hàng truyền thống và các gia tộc trên thị trường vàng thế giới đang dần đi đến hồi kết

Thị trường vàng trên toàn cầu đang phân mảnh rõ rệt và mỗi quốc gia và vùng địa lý lại có những câu chuyện khác nhau

Vàng, một loại tiền tệ quốc tế và là tài sản cất trữ giá trị, đang dần mất đi tính "toàn cầu hoá" như trước đây. Mocatta, đại lý vàng thỏi lớn nhất bấy lâu nay, đang bị ngân hàng chủ quản Nova Scotia cho dừng hoạt động. JPMorgan, ngân hàng vàng hàng đầu của Mỹ, ngày càng lưỡng lự và chậm chạp trong việc tiếp nhận các đối tác mới.
Bên cạnh những vấn đề khác của mình, trong tháng 3, HSBC đã gây sốc khi mất tới 200 triệu đô (trên lý thuyết) chỉ trong một ngày mà thị trường vàng ít thanh khoản và biến động mạnh. Gia tộc Rothschild, dòng họ vốn là nhân vật chính cho nhiều thuyết âm mưu về thế giới, đã ngừng giao dịch vàng từ năm 2004.
Chênh lệch tỷ giá vàng giữa các địa điểm hiện không giãn rộng như khoảng thời gian gián đoạn di chuyển vào tháng Ba. Vào thời điểm đó, mức chênh lệch một ounce vàng giữa các thị trường có thể được ấn định ở mức 90 đô la, ví dụ như giữa Zurich, New York và London. Trong quá khứ, chỉ mức chênh lệch 1.50$ cũng sẽ khiến mọi người phải chú ý và phải phân bổ lại vốn giao dịch.
Ngay cả khi các hạn chế di chuyển và vận chuyển hàng đường hàng không bắt đầu được dỡ bỏ, các chuyên gia vàng cho rằng mức chênh lệch tỷ giá địa điểm từ 5$, 6$ hay 7$ không phải là hiếm.
Xét về bề nổi, giao dịch vàng đáng lẽ là một cơ hội kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư có kinh nghiệm vận hành.
Nhu cầu quan tâm tới việc đầu tư vào sản phẩm vàng là rất lớn, đến từ cả các nhà đầu tư tổ chức như quỹ hưu trí. Do đó, mặc dù giá vàng đã giảm từ mốc cao nhất từ đầu năm đến nay nhưng nó vẫn đang trong xu hướng tăng.
Vậy tại sao lại có xu hướng giảm toàn cầu hoá trong giao dịch vàng vật chất?
Nguyên nhân là do, các tổ chức kinh doanh vàng hàng đầu thế giới hiện nay không còn là các ngân hàng khối Anglo-Saxon hay các gia tộc Do Thái "anh em", những tổ chức được thành lập từ vài thế kỷ trước.
Những tổ chức dẫn đầu mới nằm ở các quốc gia khác nhau, và thường tập trung ở những quốc gia mà chúng tôi đành gọi là các thị trường mới nổi.
Lấy ví dụ như MKS Pamp, tập đoàn được thành lập bởi Mahmoud Kassem Shakarchi. Ông là một người Iraq với khởi điểm là một thương nhân buôn cừu ở Istanbul.
Thỏi vàng của họ thường được gói bằng loại giấy nhựa đặc biệt và là loại vàng được người dân Ấn Độ biết đến nhiều nhất. MKS Pamp hiện là nhà luyện vàng và nhà kinh doanh vàng thỏi lớn nhất trên thế giới.
Bạn có biết đến Công ty Vàng bạc Sài Gòn, hay những thỏi vàng SJC thương hiệu của họ? Người dân ở biên giới Việt - Trung đều biết đến các sản phẩm của SJC, nơi tôi chắc rằng phần lớn các giao dịch là không chính thức.
"Vàng thỏi SJC được sử dụng chủ yếu ở Việt Nam, nhưng chúng thậm chí còn được các ngân hàng trung ương trên thế giới công nhận. Chúng được sử dụng như là một phương tiện thanh toán phổ biến cho những giao dịch "chui", ông Huynh Khanh Trung, một chuyên gia về vàng tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Hạn ngạch xuất khẩu vàng của Trung Quốc tương đương 50,000 USD mỗi người dân.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiệt tình ủng hộ việc giao dịch vàng trong vài thập kỷ qua. Nhà máy luyện vàng Istanbul, được thành lập bởi gia tộc Halac, phục vụ cho những giao dịch vàng trong nước. Ngay cả trong thời gian dịch Covid-19 làm ngưng trệ mọi hoạt động giao thương, các cửa hàng trang sức ở Istanbul vẫn mở cửa như những cửa hàng thiết yếu.
Tôi có thể cung cấp số liệu thống kê về giao dịch vàng ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng những ước tính được đưa ra có vẻ khác với thực tế. Khi tôi còn là một đứa trẻ ở đó, việc buôn bán vàng thường sử dụng tiếng Ladino, một ngôn ngữ Do Thái thời Sephardic, nhưng giờ ngôn ngữ chung đã là tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở Đông Nam Á, ông Trung nói rằng, Việt Nam là một trong ba quốc gia giao dịch vàng nhiều nhất, với từ 60 đến 70 tấn vàng được giao dịch mỗi năm, chỉ xếp sau Thái Lan và Indonesia với từ 80 đến 90 tấn mỗi năm. Trong những năm qua, Việt Nam đã nhập gần 850 tấn vàng. Đem con số này đi so sánh thì số liệu chính thức về trữ lượng vàng của Vương quốc Anh chỉ vào khoảng 310 tấn.
Vài năm trước, các quan chức Malaysia đã rất ngạc nhiên khi một chuyên gia kim loại nước ngoài cho rằng một lượng lớn vàng ở quốc gia này còn đang nằm trong các cơ sở tư nhân. Đối với một số người Hồi giáo nắm trong tay lượng lớn vàng, việc Malaysia công nhận luật Sharia (luật của người Hồi giáo) rõ ràng là sự đảm bảo khá chắc chắn rằng tài sản của họ sẽ an toàn.
Chúng ta còn phải kể đến loại vàng bất hợp pháp được khai thác trong các mỏ khai thác thủ côngở Châu Phi. Mọi người trong ngành công nghiệp vàng đều ngại nhắc đến chủ đề này, nhưng một nghiên cứu do EU tài trợ từ năm ngoái đã chỉ ra rằng: "Ước tính quy mô buôn lậu vàng hàng năm ở Sudan là 30 tấn, Nam Phi 25 tấn, Zimbabwe 20 tấn, Mali 20 tấn. . .", và còn nhiều quốc gia khác cũng trong tình trạng như vậy.
Những thông tin này dường như đã bị che đậy, dẫu cho Hiệp hội Thị trường Vàng London phản đối gay gắt việc buôn bán vàng khai thác trái phép, nạn nô lệ trẻ em, v.v. Chưa kể đến tác động lâu dài mà thủy ngân gây ra với người, động vật, nước và đất.
Theo ông Jeffrey Christian thuộc công ty tư vấn kim loại CPM, ngay cả với giá vàng cao hiện nay thì: "Đây chưa phải là đỉnh điểm của sự sợ hãi. Chúng ta mới đang chứng kiến những sự thay đổi đầu tiên trên toàn cầu. Chính trị thế giới và nền kinh tế phân bổ nguồn lực đang khiến sự gia tăng về nhu cầu đối với tài sản trú ẩn như vàng trong dài hạn."
Tuy nhiên, đà tăng này sẽ không giúp sự thống trị của các ngân hàng truyền thống và các gia tộc lớn - vốn là những người làm chủ thị trường vàng trước đây - quay trở lại.

Tùng Nguyễn, CFA, CMT

Tùng Nguyễn, CFA, CMT

Economist
12:30 14/06/2020
FT