FED

Trang mạng VuMKT.Com
Cố giáo sư kinh tế lỗi lạc của Đại học Cambridge Dennis Robertson từng ưa thích cách nói ví von rằng đánh giá xu hướng kinh tế giống như đến với cuộc đua chó săn. Nếu một người đủ kiên nhẫn chờ đợi thì sẽ thấy lũ chó vòng lại một lần nữa. Người ta băn khoăn liệu có phải điều này không còn đúng với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi tuần vừa rồi FED quyết định chuyển đổi sang một chính sách lạm phát nới lỏng hơn.
FED giờ đây dường như đã khép lại một chương về chính sách do Paul Volcker đề xướng cách đây 40 năm, vốn tập trung vào vai trò của FED trong việc thường xuyên giám sát rủi ro lạm phát đối với nền kinh tế Mỹ. Hôm 27/8 vừa qua, chương chính sách của Volcker đã “đi vào dĩ vãng” khi Chủ tịch FED, ông Jerome Powel cho biết cơ quan này sẽ chấp nhận thời kỳ lạm phát ở mức trên 2% để bù đắp lại các giai đoạn lạm phát dưới mục tiêu trước đó. Ngoài ra, FED cũng cho biết sẽ không vội tăng lãi suất cho dù tỷ lệ thất nghiệp đang giảm.
Người ta có thể nhất trí với FED rằng không hề tồn tại bất kỳ rủi ro lạm phát trước mắt nào đối với FED trong bối cảnh nền kinh tế đang lâm vào đợt suy thoái trầm trọng nhất trong vòng 90 năm qua. Điều này là đặc biệt đúng khi tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức 2 con số và được dự đoán sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao một thời gian nữa. Tuy nhiên, có một số lý do để chúng ta đặt câu hỏi liệu có là khôn ngoan hay không khi FED thay đổi chính sách vẫn theo đuổi lâu nay sang việc nới lỏng chính sách tiền tệ ở mức độ lớn hơn vào thời điểm đặc biệt này.
Trong số những lý do thuyết phục hơn để đặt câu hỏi về thời điểm FED đưa ra tuyên bố thay đổi chính sách của mình, có một lý do là dường như không còn bất kỳ một bộ phận cử tri nào ở Mỹ quan tâm đến một chính sách ngân sách có trách nhiệm. Tại thời điểm Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính rằng thâm hụt ngân sách liên bang đang ở vào mức gần cao nhất trong lịch sử, chiếm 18% GDP trong năm 2020, thì Quốc hội Mỹ lại tiếp tục dự kiến thông qua thêm một gói kích thích tài khóa quy mô lớn chiếm khoảng từ 5-15% GDP để bơm vào nền kinh tế. Trong khi đó, ngay cả trong giới học thuật, các học giả đều đang bị “mê hoặc” bởi sự khẳng định của Lý thuyết Tiền tệ Hiện đại rằng trong môi trường lãi suất thấp thì thâm hụt ngân sách lớn là không đáng lo ngại.
Bằng việc phát tín hiệu rằng lạm phát là không đáng bận tâm, FED dường như đang “bật đèn xanh” để Quốc hội thông qua một chính sách tài khóa “hoang phí” trong giai đoạn trước mắt. FED làm như vậy bất chấp lịch sử đã chứng minh rằng có rất nhiều giai đoạn tài khóa hoang phí kéo dài gây ra hậu quả tiêu cực.
Sự thay đổi chính sách nói trên của FED cũng cần được nhìn nhận như mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ chưa từng thấy của cơ quan này nhằm đối phó với đại dịch COVID-19. Trên thực tế, từ vài tháng qua, bảng cân đối tài sản của FED đã tăng 3 nghìn tỷ USD khi FED tiến hành một đợt mua trái phiếu chưa từng có tiền lệ. Sau khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ phá sản, cựu Chủ tịch FED Ben Bernanke đã phải mất 7 năm để mở rộng bảng cân đối tài sản của FED với quy mô tương đương con số trên, nhưng nay ông Jerome Powel đã xoay sở để thực hiện trong 4 tháng. Điều đó đã làm gia tăng cung tiền với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử.
Một số người cho rằng một khi nền kinh tế Mỹ phục hồi, để ngăn chặn lạm phát quay trở lại, FED sẽ cần rút thanh khoản ra khỏi nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh không có bất kỳ nguyên tắc chính sách ngân sách nào. Một số khác lại băn khoăn liệu có phải FED đã không phức tạp hóa nhiệm vụ đó của mình bằng cách tỏ ra kiên quyết duy trì lãi suất thấp trong một thời gian dài hay không.
Tuy nhiên, có hai lý do khác để đánh giá FED đã khôn ngoan như thế nào khi chọn thời điểm này để công bố chính sách nới lỏng tiền tệ. Tại thời điểm thị trường tài chính nói chung và thị trường cổ phiếu nói riêng đang trong trạng thái bong bóng, liệu có hợp lý hay không khi tiếp tục thổi phồng thêm những bong bóng này bằng một cam kết lâu nay trong việc duy trì mức lãi suất cực thấp? Tương tự, với vị thế của đồng bạc xanh đang chịu sức ép khi nổi lên những nghi ngại về việc đồng tiền này sẽ mất đi vai trò dự trữ quốc tế lâu nay của mình, liệu có là khôn ngoan khi duy trì một chính sách dường như không đếm xỉa đến giá trị của đồng tiền này?
Tất cả những điều đó không phải nhằm hạ thấp khó khăn của quá trình hoạch định chính sách kinh tế trong giai đoạn bất ổn hiện nay, mà là nhằm chất vấn về sự sáng suốt của FED khi tự cam kết trước về giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ kéo dài mặc dù cam kết đối với kỷ luật ngân sách đang dường như bị phá vỡ và những bài học lạm phát trong quá khứ đang dường như bị phớt lờ.
Cập nhật tin nhanh tại: https://vumkt.com/
________________
Tham gia kênh telegram cập nhật tin tức nhanh nhất:
https://t.me/TinHieuForex_RocketSignals